Đình Nội nằm trên thửa đất ở trung tâm, nơi thờ Đức quốc tổ Lạc Long Quân, nên còn có tên chữ là Lạc Long Quân từ. Theo các cụ cao niên, Đình Nội được xây dựng từ lâu đời, tuy nhiên, những dấu tích về kiến trúc và vật liệu xây dựng của các thời Lý, Trần, Lê đến nay không còn.
Hiện nay, những công trình kiến trúc nghệ thuật của đình Nội đều làm vào thời Nguyễn. Mặt bằng tổng thể ngôi đình gồm có cổng ngoài, nhà cầu Quếch, ao sen, cổng ngũ môn, nhà tả mạc, hữu mạc, phương đình, nhà đại bái và hậu cung.
Những công trình phụ là cổng ngoài, nhà cầu Quếch, ao sen, cổng ngũ môn, nhà tả mạc, hữu mạc là một hệ thống hạng mục kiến trúc nằm bên ngoài. Trong khuôn viên cây xanh có những cây quéo, cây trôi vài trăm năm tuổi. Phía ngoài có cổng trụ đèn lồng mới được làm năm 2010 có ý nghĩa làm ranh giới khuôn viên khu di tích, nên gọi là cổng ngoài.
Qua cổng ngoài là vào sân đình tương đối rộng, đã lát gạch đỏ, thẳng đường chính đạo có bức bình phong làm theo kiểu cuốn thư. Bức bình phong được coi là ranh giới, ngăn ngừa những điều không tốt lành ảnh hưởng đến đền.
Tiếp đó là ao sen hình con dấu của Đức quốc tổ Lạc Long Quân. Quy mô ao rất cân xứng với tổng thể khu đình. Ao thả sen, nuôi đàn cá cảnh được gọi là cá thần. Bên phía trái có nhà cầu Quếch, tương truyền là nơi trình diện trước khi vào lễ. Ngôi nhà có ba gian nhỏ, xây tường bao quanh đầu hồi bít đốc, hai mái chảy lợp ngói mũi.
Qua nhà trình và ao sen là vào cổng ngũ môn với năm cửa ra vào đền. Chính đạo là ba cổng làm theo lối tam quan, xây như một ngôi nhà ba gian hẹp mở ba cửa: cửa chính rộng, còn hai cửa phụ hẹp hơn. Ngôi nhà xây tường hồi bít đốc tay ngai có hai cột trụ biểu lồng đèn trang trí tứ linh và chim phượng trên đỉnh, hai mái chảy lợp ngói mũi. Trên bờ nóc đắp hai con kìm, ở giữa là nậm rượu lớn. Hai bên là hai cổng phụ xây hai tầng cổ diêm có bốn mái đao cong, giữa trổ cổng vòm mai cua là lối ra vào hằng ngày.
Những công trình chính của khu đình gồm nhà phương đình, nhà tả mạc và nhà hữu mạc, nhà đại bái và nhà hậu cung. Nhà phương đình nằm theo trục chính đạo qua cổng chính ngũ quan. Đó là ngôi nhà hình vuông, không xây tường, chỉ có tứ đại trụ (bốn cột lớn) cùng bốn cột góc với những bộ vì chồng rường gọng vó tám mái đao cong. Trên bờ nóc đắp phù điêu lưỡng long chầu nguyệt, chỗ gấp khúc có tượng lân chạy ngược chiều.
Hai bên phương đình là sân lát gạch đỏ, có hai ngôi nhà chạy song song đăng đối nhau gọi là nhà tả mạc và nhà hữu mạc. Hai ngôi nhà này đều có ba gian, tường xây gạch hai đầu hồi bít đốc. Trên tường hồi trổ chữ “Thọ”, phía trên đầu nóc hình vuông, mái chảy lợp ngói mũi. Kiến trúc khung nhà hai hàng chân cột, những bộ vì kiến trúc theo kiểu thức giá chiêng kẻ bẩy.
Tiếp đến là ngôi nhà đại bái và hậu cung có mặt bằng kiến trúc kiểu chữ Đinh. Hai ngôi nhà này đều xây tường gạch, đầu hồi bít đôc, mái chảy lợp ngói mũi. Kiến trúc bộ khung nhà đại bái và hậu cung còn nguyên thời Nguyễn với bốn hàng chân cột bộ vì kiến trúc theo kiểu thượng giá chiêng con nhị, chồng rường kẻ bẩy. Điêu khắc trên kiến trúc thể hiện các đề tài tứ linh: Long, Ly, Quy, Phượng và tứ quý: Cúc, Trúc, Thông, Mai với phong cách nghệ thuật thời Nguyễn.
Đình Nội còn lưu giữ một số hiện vật có giá trị như bộ kiệu bát cống sơn thếp vàng son rực rỡ, án thư chạm trổ sơn thếp có nhiều lớp trang trí nghệ thuật rồng phượng, đôi hạc, bát bửu, bát hương,…
Đặc biệt, ở đình còn lưu giữ được bức phù điêu giá tượng Đức Quốc Tổ Lạc Long Quân với nhiều lớp hình ảnh được trạm khắc, truyền ngôn: Dài 2,8 mét, rộng 2,2 mét, 5 tầng; đầu 20 vị quan văn mặc áo thụng, tay cầm hốt, đầu đội mũ cánh chuồn; 16 vị quan võ cân đai bố tử hùng dũng, quắc thước, cầm long đao; 18 thị nữ áo dài nếp mỏng mềm mại dâng hòm sớ với cờ quạt, tàn, tán, ô, lọng; có voi, ngựa và nhóm dân binh đội mâm dâng hoa quả; dòng nước mênh mang hiện lên những con thuyền rồng cong mũi đang rẽ sóng lao nhanh; từng thuyền rồng các cặp đôi hai hàng trai tráng, mình trần khỏe mạnh, gò mình mải miết tay chèo; nổi bật chiếm phần tư diện tích là chân dung tượng Lạc Long Quân ngự trên ngai vàng, đầu đội vương miện chạm lưỡng long chầu nguyệt, khoác áo hoàng bào vóc dáng bệ vệ, khuôn mặt hiền từ, phúc hậu, thể theo 36 quý tướng nhà Phật.. toát lên đầy đủ cảnh sinh hoạt thuộc về triều đại Hùng Vương.
Tục truyền, bức phù điêu được khởi dựng từ thời nhà Đinh, khi Đinh Tiên Hoàng lên làm vua đã cho xây đền Thượng tại Phong Châu để thờ các vua Hùng với mỹ tự “Hùng Vương sơn nguyên Thánh Tổ, người đã giao cho Hoàng hậu Đan Gia và Đinh Quốc công Nguyễn Bặc đặc trách, cùng với Bộ Lễ tuyển các thợ giỏi để chế tác bức phù điêu này”. Căn cứ vào tác phẩm điêu khắc nghệ thuật cổ này các nhà nghiên cứu đánh giá cao về ý nghĩa lịch sử vị thần được thờ là Đức Quốc Tổ Lạc Long Quân.
Đêm 5 tháng 3, sau lễ thỉnh bách thần về dự hội, lần lượt 27 giáp đua tài với nhau bằng những cây pháo bông. Sáng 6 tháng 3 tại khu ao sen thi đốt pháo bèo; chiều thi đốt pháo cây.
Lễ hội Bình Đà, là lễ hội đầu tiên trên địa bàn Thủ đô Hà Nội được vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.