GIỚI THIỆU DI TÍCH LỊCH SỬ ĐỊA PHƯƠNG - LÀNG BÌNH ĐÀ

Thứ năm - 11/08/2022 08:33
tải xuống
tải xuống
Bình Đà nổi danh là làng quê có nhiều di tích lịch sử gắn với huyền thoại về nguồn gốc dân tộc Việt Nam.

Cách trung tâm thành phố Hà Nội hơn 20km về phía Tây, Bình Đà là làng Việt cổ, có tên chữ là làng Bùi. Địa danh Bình Đà có từ triều vua Minh Mệnh năm 1820 (triều Nguyễn). Làng Bình Đà nay thuộc xã Bình Minh, huyện Thanh Oai, Hà Nội. Bình Đà nổi danh là làng quê có nhiều di tích lịch sử gắn với huyền thoại về nguồn gốc dân tộc Việt Nam.Làng Bình Đà, xã Bình Minh, là ngôi làng có truyền thống lâu đời với nhiều đình, chùa, miếu mạo, văn chỉ… do dân làng dựng từ xa xưa được ghi vào sử sách. Nơi đây được gọi là “vùng đất thánh” bởi sự hiện diện của Tam giáo: đạo Phật với chứng tích là 5 chùa (chùa Cảnh Thạc, chùa Âm, chùa Cả, chùa Gã, chùa Bụt Mọc) và các văn chỉ liên quan tới đạo Giáo và Nho giáo.

Làng Bình Đà - miền di sản - ảnh 1
Đền Ngoại là nơi thờ Linh Lang Đại Vương, một trong những vị thành hoàng của Hà Nội.

Tại làng Bình Đà hiện vẫn còn lưu giữ những di vật quý hiếm có niên đại cách đây hơn 1000 năm như: cuốn văn tự để tế trong lễ hội làng Bình Đà, hương án với đôi câu đối được làm từ "Khải Định Kỷ Mùi thu" (năm 1919), chiếc chuông đồng cổ có niên hiệu từ năm 1007. Ngoài ra còn có nhiều công trình kiến trúc khác như: bia đá cổ, khu Ao sen, giếng ngọc, nhà bia; và một số bảo vật quý như: trống đồng Đông Sơn Hêgơ1, gạch hoa văn xây mộ Quốc Tổ... Làng Bình Đà có 13 di tích lịch sử với một hệ thống đình, đền chùa, miếu lâu đời. Làng Bình Đà là số ít đơn vị hành chính trên đất nước Việt Nam có hai vị Thành Hoàng làng, một là Quốc tổ Lạc Long Quân được thờ ở đền Nội, hai là Linh Lang Đại Vương thờ tại đền Ngoại. Thăm khu đền của làng Bình Đà, khách phương xa được nghe những câu chuyện truyền thuyết về Quốc tổ Lạc Long Quân, hay sự tích của các ngôi đình, chùa, đền, miếu của địa phương để hiểu thêm về vùng đất này. Ông Bùi Đăng Thịnh, thủ từ đền làng Bình Đà, kể lại: "Theo truyền thuyết, sau khi chia tay Quốc mẫu Âu Cơ, Quốc tổ Lạc Long Quân dẫn 50 người con về vùng biển để khai hóa. Quốc tổ dừng chân tại thôn Bình Đà, xã Bình Minh, xa xưa gọi là làng Bảo Đà Bảo Cựu. Cuối đời, ngài hóa thân ở tại làng Bình Đà và dân làng an táng ngài ở núi Tam Thai, hay còn gọi là khu Ba gò, cách đền thờ khoảng 500m về phía Tây Nam và lập đền thờ đức Quốc tổ Lạc Long Quân. Rồi đến cuối mùa xuân năm 1077, Hoàng tử Linh Lang con vua Lý Thái Tông, về tuyển quân, đóng doanh trại ở đây. Sau khi bị hi sinh khi đánh quân Tống thì được triều Lý truy phong là Đại Vương Linh Lang. Chúng tôi thờ Ngài là đương cảnh Thành Hoàng của làng cho đến bây giờ".

Làng Bình Đà - miền di sản - ảnh 2

Chùa Quan Âm, tên chữ là Quan Âm tự, là một trong 5 ngôi chùa của làng Bình Đà.

 

 

Tại Đền Nội thờ Quốc tổ có nhiều cổ vật quý như: thần phả, sắc phong, bia ký, chuông đồng, hoành phi, câu đối, đồ tế tự của từ thời Lý đến Lê Trung Hưng. Đặc biệt, bức phù điêu "có một không ai" làm bằng gỗ vàng tâm, chạm khắc cảnh Quốc tổ Lạc Long Quân cùng văn võ bá quan xem hội đua thuyền là di vật có giá trị nghệ thuật độc đáo. Năm 2015, bức phù điêu này được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Bảo vật Quốc gia. Về ý nghĩa và giá trị của bức phù điêu, ông Bùi Đăng Thịnh nêu rõ: "Bức phù điêu còn được gọi là bức giá tượng hay giá thánh, có từ thời nhà Đinh, cách đây hơn 1000 năm. Bức phù điêu có nội dung sâu sắc, gồm 5 tầng, tầng trên cùng có 18 thị nữ đang dâng hòm sớ và hàng thứ 2 có 20 quan văn đang đứng hầu, hàng thứ 3 có 16 quan võ. Ở chính giữa là chân dung đức Quốc tổ Lạc Long Quân đang ngồi xem hội đua thuyền. Trước mặt là cảnh sông nước và các đoàn thuyền đang ở trạng thái đua. Ngoài ra còn có các đội quân bảo vệ Ngài. Trong đó có voi, hổ, ngựa và đặc biệt 1 đôi bạch hổ đứng để bảo vệ Ngài, chứng tỏ là từ xa xưa, tổ tiên đã thuần hóa được các loài thú dữ để bảo vệ con người".

Làng Bình Đà - miền di sản - ảnh 3

Cây trôi cổ thụ lâu đời chưa xác định chính xác độ tuổi, nhưng theo dân gian, cây trôi gắn với sự kiện Đinh Bộ Lĩnh dẹp loạn 12 sứ quân (944-968).  

Gắn liền với Đền Nội, Đền Ngoại là lễ Hội Bình Đà, diễn ra từ ngày 24/02 đến ngày mùng 06/03 âm lịch hàng năm. Trong đó, ngày 26/02 là ngày giỗ Thành hoàng Linh Lang Đại vương, còn mùng 06/03 là lễ giỗ Quốc tổ Lạc Long Quân. Năm 2014, lễ hội trở thành Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia. Hội làng Bình Đà đến nay vẫn giữ được các nghi thức tế lễ truyền thống. Ông Phạm Đình Phùng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Bình Minh, cho biết: "Đêm mùng 5 các cụ tổ chức tế lễ trong cung của đền, sáng mùng 6 thì tổ chức rước bánh thánh thả xuống giếng ngọc để gửi gắm cho 50 người con theo cha xuống biển. Đặc trưng trong phần lễ là từ xa xưa, các cụ giao cho dòng họ Nguyễn Văn chuyên làm bánh thánh. Chiều mùng 5 chuẩn bị các dụng cụ, mang nguyên vật liệu ra đền để làm bánh trong cung. Việc làm này cũng không ai được biết và chỉ có dòng họ này, trưởng họ cha truyền con nối từ xa xưa đến nay để làm bánh thánh dâng Quốc tổ Lạc Long Quân".

Làng Bình Đà - miền di sản - ảnh 4
Đình- đền Nội: Đền Nội thờ Lạc Long Quân, xây dựng từ lâu, có dấu ấn từ thời Lý đến Lê Trung Hưng.   

Những di tích, di vật cổ luôn là niềm tự hào của người dân Bình Đà, bởi vậy, các thế hệ trong làng, các dòng họ đều ý thức trong việc chung tay gìn giữ, bảo vệ những giá trị lịch sử mà cha ông đã để lại. Con cháu các dòng họ lâu đời trong làng như: Phạm Đình, Nguyễn Văn, Nguyễn Doãn, Bùi Đăng, Bùi Quang... vẫn luôn có sự gắn kết với nhau để cùng phát triển kinh tế - xã hội địa phương, góp phần xây dựng quê hương Bình Đà tươi đẹp. Ông Phạm Đình Phùng cho biết thêm:"Về duy trì các dòng họ, hầu như dòng họ nào cũng xây dựng nhà thờ tự, có quy tắc thờ tự, xây dựng quỹ khuyến học để động viên con cháu trong dòng họ học tập tốt, hàng năm cũng tổ chức trao quà tặng cho các cháu. Chúng tôi cũng có quỹ thăm hỏi, các dòng họ động viên nhau trong việc phát triển kinh tế. Những con em quê Bình Đà đi làm ăn đã thành đạt hầu như năm nào cũng về, về với dòng họ, về lễ hội, chúc thọ các cụ đầu xuân vào ngày 10 tháng Giêng".

Làng Bình Đà - miền di sản - ảnh 5

Bức chạm phù điêu treo trong Hậu cung đình là một di sản quý giá nhất của làng Bình Đà. Ngày 12/4/2016, bức phù điêu được Thủ tướng Công nhận là Bảo vật Quốc gia.  ( 

Đến làng Bình Đà, với tấm lòng hiếu khách của dân làng, khách thập phương sẽ được biết thêm nhiều điều thú vị về khởi nguyên dân tộc Việt qua truyền thuyết cha Rồng mẹ Tiên, cùng những di vật, bảo vật quý - những điều làm nên danh thơm Bình Đà, Bình Minh, mảnh đất của những huyền thoại gắn với lịch sử xây dựng quê hương

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Vun đắp ước mơ
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây